(Trích từ bài phát biểu của GS-TS Lâm Minh Triết tại lễ khánh thành NMXL nước thải Thủ Dầu Một)
Hệ thống thoát nước Nam Bình Dương bao gồm: mạng lưới thu gom và Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Mục tiêu của dự án hướng đến cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo cảnh quan sạch đẹp và văn minh đô thị, góp phần cải thiện và bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn phục vụ cho cấp nước.
Mạng lưới thoát nước thải đô thị của dự án được thiết kế tách riêng với nước mưa. Việc đấu nối nước thải từ các hộ dân, cơ sở SX, doanh nghiệp, cơ quan ... đang được thực hiện công phu nhằm bảo đảm thu gom dần nước thải đạt lưu lượng nước thải đáp ứng công suất thiết kế của nhà máy xử lý thải.
Công nghệ xử lý nước thải được lựa chọn thuộc công nghệ mới cải tiến có cơ sở khoa học và thực tế phù hợp trong điều kiện khu vực Nam Bình Dương và đây là lần đầu tiên tại Bình Dương áp dụng công nghệ: Bể bùn hoạt tính theo mẻ cải tiến với dòng nước thải châm vào liên tục trong suốt các pha của chu trình xử lý-ASBR với công suất giai đoạn I là 17.650 m3/ng.đ (trong khi bể bùn hoạt tính theo mẻ truyền thống- SBR chỉ thích hợp với công suất khoảng 5.000 – 7.000 m3/ng.đ)
Công nghệ xử lý gồm: Nước thải từ hộ thoát nước →Bể tiếp nhận/song chắn rác→Bể lắng cát thổi khí→ASBR→Khử trùng bằng tia cực tím→Hồ ổn định→sông Sài Gòn.
Công trình xử lý bùn và công trình khử mùi.
ASBR có những ưu điểm chính như :
- Linh hoạt với lưu lượng và tải trọng đầu vào chưa ổn định (như trường hợp: việc đấu nối nước thải sinh hoạt vào cống chính chưa đầy đủ)
- Khả năng tự động hóa hoàn toàn các quá trình hoạt động của NM xử lý nước thải;
- Hiệu quả xử lý cao, đạt theo chuẩn đầu ra theo QCVN 14:2008/BTNMT ( cột A )
- Không đòi hỏi nhiều diện tích mặt bằng so với công nghệ khác, cho phép tăng khoảng cách vùng đệm, khoảng cách ly vệ sinh đối với khu dân cư;
- Có khả năng tăng công suất thiết kế lên đến 30% so với SBR truyền thống;
- Việc khử trùng bằng tia cực tím, hiệu quả khử trùng cao và an toàn cho các sinh vật nước đầu ra so với khi khử trùng bằng clo.
Thực tế hoạt động vận hành thử nghiệm trong những tháng qua với công suất đầu vào 3.000 m3/ng.đ, hiệu quả xử lý nước thải đầu ra đều đạt quy chuẩn.
Kết quả bước đầu vận hành thử nghiệm là khách quan, và có nhiều hứa hẹn và có độ tin cậy cần thiết.Tuy nhiên những công việc tiếp theo còn nhiều và cần được quan tâm thích đáng:
- Tiếp tục triển khai việc đấu nối nước thải và cống chính dẫn đến NM xử lý nước thải giai đoạn I;
- Triển khai vận hành công nghệ xử lý nước thải với công suất lớn hơn cho đến công suất thiết kế;
- Thực hiện quan trắc đầy đủ diễn biến chất lượng nước thải đầu vào và đầu ra. Đánh giá nhận xét hiệu quả xử lý;
- Theo dõi lớp bùn ở đáy bể có thể có độ cao cao hơn các đĩa phân phối khí theo thời gian có thể bít tắt hoặc giảm khả năng cấp khí để có biện pháp xử lý thích hợp;
- Đề xuất hoàn chỉnh công nghệ ASBR phù hợp trong điều kiện Việt Nam để có thể áp dụng nhân rộng.
Với tư cách là cán bộ khoa học trong ngành, một lần nữa tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực, sự tìm tòi sáng tạo và mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới tiên tiến và với quyết tâm cao của Công Ty THHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, được sự đồng tình ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành và nhân dân địa phương.
Thực hiện dự án này cũng là chủ trương và quyết tâm của tỉnh Bình Dương nhằm cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, sức khỏe của nhân dân trong vùng tạo cảnh quan độ thị - Thủ Dầu Một văn minh, sạch đẹp và góp phần quan trọng trong cải thiện và bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn cho mục đích cấp nước và cảnh quan sông nước đặc trưng của dòng sông chảy qua các địa phương: Bình Dương, Tây Ninh và TP HCM.
(Ghi chép: MK)
Bạn vui lòng ghi rõ nguồn http://www.biwase.com.vn khi sử dụng thông tin từ website này.