Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường Bình Dương, mỗi ngày toàn tỉnh có trên dưới 400 tấn rác thải rắn thải ra, trong đó chỉ có khoảng 60% – 70% rác thải rắn được tận dụng tái chế, khoảng từ 40 – 60 tấn rác thải nguy hại chưa được thu gom xử lý. Trung bình cứ sau 1 năm lượng rác trên lại tăng trên dưới 20% ứng với nó là lượng rác thải chưa được kiểm soát cũng tăng. Một thực tế nữa là một bộ phận người dân có ý thức phân loại rác tại nguồn chưa cao, thậm chí rác thải công nghiệp trộn lẫn với rác thải sinh hoạt gây khó khăn trong quá trình xử lý.
Hiện nay, Khu liên hợp Xử lý Chất thải rắn Nam Bình Dương tiếp nhận mỗi ngày trên 900 tấn rác thải sinh hoạt và chất thải nguy hại từ sản xuất công nghiệp. Nhà máy sản xuất phân compost nằm trong chuỗi hệ thống các dự án xử lý rác thải khép kín tại Khu liên hợp xử lý Chất thải rắn Nam Bình Dương có nguồn vốn tài trợ là 6,7 triệu Euro, công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 420 tấn/ngày, sự ra đời của nhà máy là rất quan trọng cho phân lọai rác thải để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu rác (rác thải sinh hoạt) góp phần tạo ra giá trị kinh tế, đồng thời giảm thiểu việc chôn lấp chất thải theo công nghệ thủ công, chiếm nhiều diện tích đất và gây ô nhiễm lâu dài trong lòng đất.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quy trình sản xuất phân compost tại Nhà máy:
Quy trình sản xuất phân compost được thực hiện bán tự động, rác thu gom tập kết tại hố tiếp nhận rồi chuyển sang băng chuyền phân loại với nhiều kích cỡ lỗ sàn khác nhau, tại công đoạn phân loại các phế liệu được tận thu để tái chế thành nhiều vật liệu hữu ích. Phần chất hữu cơ từ giai đoạn sàn được đưa vào các bể ủ lên men sau đó chuyển qua giai đoạn ủ chín và sàn tuyển để thành phân compost. Trước khi đóng bao thành phẩm, phân compost được phối trộn thêm những thành phần dinh dưỡng như N, P, K. Hiện phân compost do Xí nghiệp xử lý chất thải trực thuộc Biwase sản xuất được phân phối trên thị trường với nhãn hiệu “Con Voi”. Loại phân compost này được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận khảo nghiệm, kết quả so sánh với các sản phâm phân cùng loại có hiệu quả tương đương, phù hợp bón cho các loại cây cao su, tiêu, điều,...
Cùng với những nỗ lực của Biwase rất cần sự chung tay của người dân, hãy bỏ rác đúng nơi quy định, nhất là phân loại rác thải tại nguồn, ủng hộ những sản phẩm tái chế từ rác, có như thế Bình Dương mới luôn có được môi trường Xanh – Sạch – Đẹp, hấp dẫn các nhà đầu tư.
QUY TRÌNH SẢN XUẤT PHÂN COMPOST TỪ RÁC SINH HOẠT
Bước 1 - Chuẩn bị nguyên liệu ủ (thành phần CTSH dễ phân hủy): Chất thải sinh hoạt sau khi tiếp nhận được đưa lên dây chuyền phân loại. Thành phần chất thải hữu cơ dễ phân hủy được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ. Các thành phần khác như: nylon, nhựa, kim loại,…được sử dụng làm nguyên liệu tái chế. Thành phần chất thải không thể tái chế được đưa đến hố chôn lấp hoặc lò đốt.
Bước 2 - Bổ sung vi sinh, chất dinh dưỡng: Thành phần chất thải hữu cơ dễ phân hủy được bổ sung thêm vi sinh, chất dinh dưỡng, độ ẩm phù hợp để tạo điều kiện tối ưu cho quá trình phân hủy của vi sinh vật.
Bước 3 - Ủ lên men: Sau khi bổ sung phụ gia, hỗn hợp nguyên liệu hữu cơ được nạp vào bể ủ với thời gian ủ lên men khoảng 21 ngày thì dỡ bể để đưa ra Nhà ủ chín.
Bước 4 - Ủ chín: thời gian ủ chín khoảng 18 ngày trong nhà ủ
Bước 5 - Tinh chế mùn compost: Sàn tuyển lấy mùn compost tinh có kích thước nhỏ hơn 9mm
Bước 6 - Phối trộn phụ gia (N, P, K, ...). Kiểm tra chất lượng mùn compost tinh trước và sau khi bổ sung thành phần dinh dưỡng, tỷ lệ thích hợp cho từng loại cây trồng.
Bước 7 - Đóng bao phân hữu cơ: Đóng bao theo các trọng lượng khác nhau: 10kg, 20kg, 25kg, 30kg, 50kg, … theo đúng mẫu mã quy định.
Bước 8 - Tiêu thụ sản phẩm: Mùn compost và phân hữu cơ được sản xuất từ chất thải sinh hoạt sau khi kiểm tra đạt chất lượng theo quy định tại Thông tư 36/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, được vận chuyển đến kho thành phẩm để lưu trữ và tiêu thụ trên thị trường.
Thu Thảo
Bạn vui lòng ghi rõ nguồn http://www.biwase.com.vn khi sử dụng thông tin từ website này.