Mới đây, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh đã kiểm tra đột xuất cơ sở thu gom và xử lý chất thải công nghiệp trên đường Bình Chuẩn 03, khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An. Tại đây, lực lượng kiểm tra đã phát hiện ngoài sai phạm về quản lý chất thải công nghiệp ảnh hưởng môi trường xung quanh, cơ sở này còn có nhiều sai phạm khác.
Ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường
Có dịp đi trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn đi qua các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, người đi đường sẽ cảm thấy khó chịu vì ngửi phải mùi hôi cay từ việc đốt chất thải công nghiệp của các cơ sở kinh doanh phế liệu mọc lên tự phát ven đường. Việc đốt chất thải công nghiệp của các cơ sở kinh doanh phế liệu này kéo dài trong thời gian qua làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân sinh sống tại các khu dân cư có cơ sở thu gom, kinh doanh chất thải công nghiệp.
Để xử lý tình trạng này, Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh vừa tiến hành kiểm tra khu đất rộng khoảng 2 ha tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An. Tại đây, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý, bốc mùi nồng nặc được đổ tràn lan; bãi chất thải lại nằm ngay giữa khu dân cư. Ngoài vi phạm về kinh doanh không phép, làm ảnh hưởng môi trường, qua kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện hàng loạt sai phạm khác tại cơ sở thu gom và xử lý chất thải công nghiệp trên đường Bình Chuẩn 03, khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, như: Tổ chức phân loại chất thải công nghiệp, tẩy rửa, chế biến không bảo đảm an toàn; nước tẩy rửa phế liệu độc hại được thải thẳng ra môi trường.
Ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương bắt quả tang một trường hợp đổ trộm chất thải công nghiệp trên địa bàn dân cư Ảnh: DUY CHÍ
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, chủ cơ sở nói trên khai nhận đã tổ chức thu gom số rác thải công nghiệp từ nhiều công ty khác nhau trên địa bàn, sau đó đưa về bãi tập kết rồi tổ chức cho công nhân phân loại thủ công. Khi phân loại, phế liệu là bao bì, giấy, nhựa sẽ được cơ sở làm sạch, xay thành nhựa, giấy phế liệu để bán lại cho các cơ sở tái chế; phần còn lại không sử dụng được thì đốt.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, các loại bao bì, giấy, thùng carton, thùng phuy nhựa. đều thuộc nhóm rác thải nguy hại; bao bì hóa chất, dung môi dùng cho sản xuất công nghiệp phải được thu gom, quản lý theo tiêu chuẩn an toàn, không được bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Quy định là thế, nhưng thời gian qua trên địa bàn tỉnh, nhiều cơ sở vẫn ngang nhiên đổ phế liệu ra môi trường khiến mùi hóa chất ảnh hưởng đến cả khu dân cư, thấm vào lòng đất, mạch nước ngầm. Điều đáng nói, sau khi lựa chọn, tận dụng hết các phế liệu có thể tái chế, các cơ sở này đã đốt phần còn lại làm phát sinh nhiều khói, khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân và môi trường xung quanh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 công ty, đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép đủ chức năng thu gom, xử lý chất thải nguy hại (CTNH) theo Thông tư số 36/2015-TT-BTNMT ngày 30-6-2015. Các đơn vị đủ điều kiện kinh doanh, thu gom, xử lý chất thải công nghiệp phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu: Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH, kể cả sơ chế, tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý; phương tiện vận chuyển CTNH phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH; công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH và trạm trung chuyển CTNH phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải xây dựng đầy đủ các nội dung về quy trình vận hành an toàn các hệ thống, phương tiện, thiết bị, các kế hoạch về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa và ứng phó sự cố; được đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm. Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH có trách nhiệm xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động xử lý CTNH; có chương trình giám sát môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý CTNH.
Đe dọa an toàn về phòng cháy và chữa cháy
Thời gian qua, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Công an tỉnh đã nhiều lần điều động lực lượng, phương tiện đến chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhiều vụ cháy bãi phế liệu nằm trong khu dân cư thuộc những khu vực nói trên. Trong số này có trường hợp bãi (vựa) phế liệu nằm cạnh phòng khám đa khoa, khi đốt phế liệu khói độc từ đám cháy bốc lên rất cao lan sang khu dân cư xung quanh, ảnh hưởng đến người dân, trong đó có nhiều bệnh nhân, y bác sĩ đang thăm khám tại phòng khám.
Gần đây, cũng tại khu vực bãi chứa phế liệu thuộc phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An, đã xảy ra một vụ cháy vào giữa trưa. Cơ sở bị cháy này không có người ở, người dân xung quanh đã báo Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy đến cứu chữa. Người dân sinh sống trong khu vực đưa ra nhận định, nguyên nhân xảy ra cháy tại đây là do phế liệu được đổ thành đống cao, sức nặng đè lên các bao bì, thùng phuy phía dưới khiến hóa chất còn sót lại trong các thùng, phuy phế liệu chảy ra ngoài rồi gặp nhiệt độ cao đã bốc cháy.
Một cán bộ phụ trách địa bàn thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy số 3 (TX.Dĩ An) cho biết ngoài các bãi, vựa phế liệu kinh doanh không phép, gây mất an toàn về phòng cháy và chữa cháy, trên địa bàn còn thường xuyên diễn ra tình trạng các xe thu gom phế liệu, chất thải công nghiệp tại các công ty, xí nghiệp lựa nơi vắng người, bãi đất trống đổ trộm hoặc đốt, vừa ảnh hưởng đến môi trường vừa là nguy cơ cháy lan ra khu vực xung quanh. Đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phối hợp với các khu dân cư, Ban Quản lý các khu công nghiệp khi phát hiện tình huống trên lập tức báo cho công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết cùng với đà phát triển công nghiệp - đô thị của địa phương, thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện nhiều cơ sở thu gom, kinh doanh phế liệu, rác thải công nghiệp không phép, tiềm ẩn rủi ro về cháy nổ, ô nhiễm môi trường. UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, lập danh sách và đề xuất hướng xử lý đối với các trường hợp không đủ điều kiện hoạt động, không phép. nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Toàn tỉnh xảy ra 22 vụ cháy, nổ
Trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 20 vụ cháy, gồm 7 vụ cháy xảy ra ở cơ sở gia công chế biến gỗ, 3 vụ cháy ở cơ sở dệt may, 2 vụ cháy ở cơ sở thu mua phế liệu, 2 vụ ở cơ sở bao bì mút xốp, 1 vụ ở nhà kho chứa hóa chất, 1 vụ ở cơ sở sản xuất giày, 1 vụ ở cơ sở sản xuất giấy nhám, 1 vụ ở cơ sở chăn nuôi heo, 1 vụ tại ki-ốt bán linh kiện điện tử và 1 vụ cháy rừng.
Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy được cơ quan chức năng xác định là do sự cố hệ thống, thiết bị điện (10 vụ), sự cố kỹ thuật (1 vụ); các vụ còn lại đang chờ kết luận điều tra. Các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng qua làm chết 3 người, bị thương 1 người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 90,5 tỷ đồng và cháy 9,4 ha rừng; tài sản cứu được ước tính khoảng 578 tỷ đồng. So với 9 tháng năm 2017, số vụ cháy trên địa bàn tỉnh tăng 6 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương; thiệt hại về tài sản tăng 80,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ nổ, trong đó có 1 vụ nổ làm chết 1 người. Nguyên nhân xảy ra các vụ nổ được cơ quan chức năng xác định là 1 vụ nổ do nạn nhân tự ý chế tạo thuốc làm pháo nổ dẫn đến nổ, gây tử vong; 1 vụ nổ dung dịch pha sơn trong container của một công ty nằm trong khu công nghiệp trên địa bàn TX.Thuận An.
|
Nguồn: baobinhduong.vn