Nước rò rỉ từ bãi chôn lấp có nồng độ chất ô nhiễm cao, có mùi chua nồng, nếu không được lưu trữ và xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm đất cho các khu vực xung quanh, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư sống gần bãi chôn lấp. Đây là vấn đề nan giải của các bãi rác không có trạm xử lý nước rò rỉ hiện nay.
So với nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp thì thành phần nước rỉ rác rất phức tạp, phụ thuộc vào tuổi của bãi chôn lấp, loại rác, khí hậu.,thành phần và tính chất nước rỉ rác còn phụ thuộc vào các phản ứng lý, hóa, sinh xảy ra trong bãi chôn lấp. Trong bãi chôn lấp mới, thông thường pH dao động thấp từ 4,5 – 5,5, các thành phần khác như COD lên đến 50.000 – 70.000mg/l, tổng nitơ khoảng 1.200 – 2.000 mg/l, Clorua (Cl-) 1.200 – 2.300 mg/l, độ màu 2.600 – 5.300 Pt/Co, hàm lượng kim loại nặng và SS cũng rất cao. Khi các quá trình sinh học trong bãi chôn lấp đã chuyển sang giai đoạn mêtan hóa thì pH sẽ cao hơn từ 7,4 – 8,3, đồng thời các chỉ tiêu khác cũng thấp đi như COD từ 1.200 – 2.000mg/l, tổng nitơ khoảng 450 – 680mg/l . Hàm lượng kim loại nặng giảm xuống vì khi pH tăng thì hầu hết các kim loại ở trạng thái kém hòa tan.
Do thành phần tính chất nước rỉ rác diễn biến phức tạp và khả năng gây ô nhiễm cao. Để đáp ứng được nhu cầu xử lý, Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Nam Bình Dương đã tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá để lựa chọn được công nghệ xử lý phù hợp kết hợp nhiều khâu xử lý bao gồm xử lý sơ bộ, tháp Stripping, xử lý sinh học, xử lý hoá lý kết hợp xử lý hoá học để đạt được quy chuẩn xả ra môi trường loại A theo QCVN 25:2009/BTNMT đồng thời thoả mãn được các vấn đề kỹ thuật phức tạp.
Bạn vui lòng ghi rõ nguồn http://www.biwase.com.vn khi sử dụng thông tin từ website này.