Bằng chủ trương và tầm nhìn “phát triển luôn đi đôi với bảo đảm môi trường”, Bình Dương đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay quốc tế để đầu tư hệ thống thu gom xử lý chất thải tập trung, nước thải sinh hoạt theo hướng hạn chế chôn lấp và tối đa hóa khả năng tái sinh các loại chất thải, từ đó góp phần duy trì và bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Tái sinh rác thải
Xí nghiệp Xử lý rác thải Chánh Phú Hòa, đơn vị trực thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) hiện đang quản lý 2 bãi rác A và B, mỗi bãi có diện tích trên 5 ha. Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc xí nghiệp cho biết, bãi A hình thành từ khi tỉnh nhà chưa tìm được nguồn vốn đầu tư, chưa có công nghệ xử lý nên phải tạm thời áp dụng biện pháp chôn lấp truyền thống. Tuy chôn lấp nhưng đơn vị quản lý là Biwase đã làm trước một số hạng mục cơ bản như lót vải địa kỹ thuật dưới đáy bãi để thuận tiện thu gom nước rỉ rác, không để ảnh hưởng đến tầng nước ngầm; đặt ống thu hồi khí biogas để vận hành máy phát điện; đồng thời xây tường bao khép kín bảo đảm an toàn cho cả khu vực bãi rác. Hiện bãi A đã lấp đầy và xí nghiệp đang quay lại khai thác các chất hữu cơ đã được ủ hoai sau nhiều năm để làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất phân bón Compost 420 tấn/ngày hiệu Con Voi Bình Dương. Sau thời gian có mặt trên thị trường, loại phân bón này rất được bà con nông dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Phước, Tiền Giang… ưa chuộng vì sử dụng rất hiệu quả với các loại cây ăn trái, cây công nghiệp.
Bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Ngoại thương và phát triển Phần Lan (thứ 2 từ trái sang, hàng đầu) cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm khu sản xuất sản phẩm tái chế sau rác thải tại Khu liên hợp xử lý rác thải Chánh Phú Hòa. Ảnh: DUY CHÍ
Trong quá trình phân loại rác thải, các loại chất thải khó xử lý như kim loại, nhựa, cát, đá, xi măng… được Xí nghiệp Xử lý rác thải Chánh Phú Hòa phân thành 2 nhóm: Nhóm không thể xử lý gồm cát đá, bùn đất, xi măng… được tận dụng để sản xuất ra bê tông, gạch tự chèn, gạch lát nền, gạch xây dựng truyền thống hiệu Coi Voi được các nhà thầu xây dựng tại Bình Dương, Bình Phước và TP.Hồ Chí Minh ưa chuộng do chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Nhóm có thể xử lý tái sinh gồm nhựa, kim loại được tái chế thành nguyên liệu lò đốt hoặc cung cấp cho các nhà máy sản xuất nhựa, thép trên địa bàn. Còn lại, nước rỉ rác cũng được xí nghiệp xử lý đạt tiêu chuẩn Cột A QCVN 14: 2008/BTNMT.
Theo quy định, xe chở rác sau khi vào bãi bỏ rác phải được rửa sạch, bảo đảm vệ sinh, mỹ quan trước khi lưu hành. Nguồn nước đã được xử lý xí nghiệp sẽ sử dụng để rửa xe, tưới cỏ, trộn vữa hồ, sản xuất gạch các loại… Ông Thắng nhấn mạnh, nhờ tận dụng nguyên phụ liệu sau xử lý rác, tái sinh chất thải và dùng chế phẩm sinh học để thay thế hóa chất mà giá thành xử lý rác ở Bình Dương rẻ hơn hẳn các nơi khác trong khu vực như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai…
Đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đã không ngừng nâng cao chất lượng thu hút đầu tư và bảo đảm môi trường. Hiện nay, ngoài hệ thống hạ tầng liên hoàn, đồng bộ, tỉnh nhà còn có dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và nguồn nước. Công trình đầu tiên của dự án này là Hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một do Nhật Bản tài trợ. Hệ thống này có khả năng thu gom nước thải sinh hoạt riêng trên địa bàn rộng 750 ha thuộc phạm vi TP.Thủ Dầu Một; giai đoạn 1 có công suất 17.650m3/ngày đêm. Nước thải sinh hoạt sau khi xử lý đạt Quy chuẩn Cột A QCNV 14: 2008/ BTNMT. Nhà máy đã được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động tháng 5-2013.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Xí nghiệp Xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một, nhờ đi sau và chịu khó tìm kiếm giải pháp công nghệ tối ưu, dự án nói trên vừa giải quyết được những bức xúc kéo dài nhiều năm của người dân đô thị xung quanh tình trạng nghẹt hố ga cầu cống, mất vệ sinh do nước thải tràn và ngập vào mùa mưa, vừa góp phần tiết kiệm kinh phí đầu tư hố ga, bể tự hoại khi xây dựng công trình, nhà ở mới. Thấy được lợi ích thiết thực từ dự án, các nhà hàng, khách sạn, hộ gia đình đã trực tiếp liên hệ đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống chung và số lượng hộ đấu nối ngày một tăng, công suất xử lý của nhà máy cũng liên tục tăng.
Sau Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tiếp tục xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thuận An, công suất giai đoạn I là 17.650m3/ngày đêm và đang xúc tiến đầu tư hệ thống tương tự tại TX.Dĩ An. Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Biwase khẳng định, Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng về sức khỏe, môi trường và cảnh quan đô thị. Điểm nhấn của dự án này là: Muốn bảo vệ môi trường tốt theo hướng bền vững thì chúng ta phải trả về môi trường theo đúng nguyên trạng, chất lượng ban đầu những gì chúng ta đã “mượn”, đã sử dụng. Nước là nguồn tài nguyên có thể tái sinh nên sau khi sử dụng xong nước thải phải được kiểm soát, xử lý thật tốt trước khi trả lại vào môi trường, góp phần cho cuộc sống của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn. Trong thời gian tới, Biwase sẽ tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị để khai thông, nạo vét, tôn tạo các kênh rạch trong đô thị nhằm đưa thiên nhiên gần với cuộc sống đô thị hơn.
* Bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Ngoại thương và phát triển Phần Lan: Mô hình xử lý rác thải của Bình Dương cần được nhân rộng
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi bày tỏ sự khâm phục đối với tỉnh Bình Dương và lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương trong việc đầu tư, vận hành nhà máy xử lý rác thải một cách hiệu quả, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, nhiều sản phẩm sau rác thải đạt chất lượng và được thị trường ưa chuộng. Thành công này tới đây sẽ được nhân rộng không chỉ trong phạm vi đất nước Việt Nam, mà còn có thể phát triển ra các nước lân cận nhằm góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
* Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bình Dương sử dụng rất hiệu quả vốn ODA
Bình Dương là địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hàng đầu cả nước. Tỉnh nhà còn là địa phương có tốc độ gia tăng dân số cơ học khá cao, kéo theo đó là nhiều vấn đề xã hội, môi trường phát sinh; xử lý vấn đề này nằm ngoài khả năng ngân sách của địa phương. Tỉnh Bình Dương mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng và bảo vệ môi trường. Qua tổng kết chương trình sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Chính phủ đã nhận xét, Bình Dương là tỉnh sử dụng vốn vay ODA tốt và hiệu quả nhất cả nước.
DUY CHÍ
Vui lòng ghi rõ nguồn http://www.biwase.com.vn khi sử dụng thông tin từ website này