Sau hơn 15 năm hoạt động, Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương không chỉ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm cho một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn hình thành công nghệ xử lý, tái chế rác hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Các dây chuyền phân loại, xử lý rác thải của Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương
Biến rác thải thành tài nguyên
Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã khẳng định vị thế trên thương trường với vai trò là một trong những công ty dẫn đầu về ngành sản xuất, kinh doanh nước sạch, xử lý chất thải, nước thải và các sản phẩm trên thị trường như nước uống đóng chai, phân bón…
Về lĩnh vực môi trường, bình quân hiện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương của Biwase xử lý đạt trên 2.500 tấn/ngày, đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố có quy mô lớn, với công nghệ xử lý tốt và hiện đại vào loại bậc nhất cả nước. Biwase đã và đang là đối tác tin cậy, uy tín với nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương đã làm tốt chức năng xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm tái tạo như điện, vật liệu xây dựng, phân bón hữu cơ sinh học.
Sau 16 năm hoạt động, Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành 2 giai đoạn với khối lượng mỗi ngày tiếp nhận 1.200 tấn rác sinh hoạt, 400 tấn rác công nghiệp, 200 tấn rác công nghiệp nguy hại. Với nguồn vốn đầu tư có tổng giá trị tương đương 30,5 triệu đô la Mỹ và giá trị đất 100 ha cho cả 2 giai đoạn thực hiện dự án, Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành các hạng mục công nghệ tái chế, xử lý rác khá hiện đại. Điều đáng chú ý, ngoài việc thu gom và xử lý rác thải, Khu Liên hợp xử lý chất thải của tỉnh Bình Dương còn được đầu tư nhiều công nghệ mới để biến rác thải thành nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có giá trị. Với tầm nhìn chiến lược trong hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, sự nỗ lực của lãnh đạo, tập thể cán bộ công ty và phương châm “rác thải là một loại tài nguyên”, nhà máy nỗ lực tái chế, tận dụng rác để vừa góp phần bảo đảm môi trường vừa tiết kiệm chi phí.
Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương, cho biết nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất 320 tấn/ngày; lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ ngày; xử lý nước thải công nghiệp 50m3/ngày; phát điện hơn 2.000 kVA; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch tự chèn công suất 2.000m2/ngày; tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ ngày để sản xuất gạch xây dựng; các lò sấy bùn thải công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày. Đặc biệt, đối với phần rác thải không thể tái chế thì vẫn có thể tận dụng bằng cách thu gom khí để tạo ra hệ thống máy phát điện với công suất lên tới 2.000kVA. Nhờ đầu tư, nâng cao công nghệ, cải tiến kỹ thuật xử lý rác làm nhiên liệu vận hành nhà máy điện đã góp phần tăng công suất, sản lượng điện từ xử lý rác thải mỗi năm. Cụ thể, năm 2018 tổng công suất phát điện đạt 9,1 triệu kVA, tương đương số tiền tiết kiệm 15,3 tỷ đồng. Năm 2019, tổng công suất phát điện 11,4 triệu kVA, tương đương số tiền tiết kiệm được 19,9 tỷ đồng.
Đến thăm Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương chúng tôi hiểu được vì sao các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường nhấn mạnh đây là khu liên hợp xử lý chất thải hoàn hảo nhất ở Việt Nam tại thời điểm này. Do đó, Bình Dương trở thành điểm sáng trên cả nước trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp một cách bài bản, quy mô và hiện đại.
Tạo đột phá trong sản xuất phân bón hữu cơ
Nhiều năm qua, Biwase không chỉ thu gom, xử lý rác t h ả i , bảo vệ môi trường, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho xã hội mà còn là nhà sản xuất phân bón hữu cơ sinh học lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á. Với tổng vốn đầu tư hơn 6,7 triệu Euro (khoảng hơn 200 tỷ đồng), nhà máy phân bón Con Voi Bình Dương có diện tích hơn 3 ha, là một phần trong Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương với tổng diện tích 100 ha. Nhà máy được đầu tư công nghệ châu Âu hiện đại, đồng bộ, khả năng tự động hóa cao để cho ra sản phẩm phân bón hữu cơ có chất lượng tốt và ổn định nhất trên thị trường.
Ông Ngô Chí Thắng khẳng định, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời hội nhập, bên cạnh việc đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, lãnh đạo công ty đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo các tiêu chuẩn để bảo đảm toàn bộ hoạt động của công ty luôn được kiểm soát và không ngừng cải tiến. Trước khi lắp đặt, vận hành dây chuyền sản xuất, Biwase đã chuẩn bị sẵn đội ngũ kỹ sư có năng lực đảm nhận vừa vận hành dây chuyền vừa nghiên cứu phương pháp sản xuất, thay thế thiết bị tại chỗ nhằm giảm giá thành đầu tư; đồng thời, chủ động khắc phục khi xảy ra hỏng hóc. Đến nay, Biwase đã hoàn toàn làm chủ công nghệ và tự sản xuất, lắp đặt, vận hành nhà máy; kể cả việc sản xuất các robot đa năng trong việc ủ trộn, tuyển và phân loại rác thải.
Nhằm tạo điều kiện để tiếp tục giữ vững tiêu chí sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhóm sản xuất sạch hơn của ngành công thương đã hỗ trợ khu liên hợp đánh giá quy trình Nhà máy Phân bón Con Voi Bình Dương, đồng thời nhận dạng và đề xuất được các giải pháp sản xuất sạch hơn chi tiết thông qua các nghiên cứu sâu về quản lý nội vi để công ty có thể áp dụng hoặc nghiên cứu áp dụng để hướng tới giảm thiểu phát thải và cải thiện quá trình sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi trong quá trình nghiên cứu để đề xuất các giải pháp sản xuất sạch hơn tại công ty, TS.Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia sản xuất sạch hơn nhấn mạnh qua đánh giá của nhóm sản xuất sạch hơn, công ty đã kiểm soát tốt quy trình sản xuất, thường xuyên theo dõi và kiểm tra các công đoạn sản xuất. Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường được công ty thực hiện tốt ở các công đoạn sản xuất, môi trường sản xuất sạch sẽ. Hệ thống khí thải đã được xử lý, nhà xưởng cao, thông thoáng. Công ty thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị sản xuất đúng lịch bảo trì bảo dưỡng. Đội ngũ cán bộ công nhân viên thường xuyên được đào tạo nâng cao tay nghề. Công ty luôn tuân thủ các quy định và thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy chữa cháy và an toàn môi trường lao động cho công nhân.
Nhóm đánh giá tiếp tục nghiên cứu đề xuất một số kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên vật liệu; phổ biến quy chế sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả; sử dụng máy móc thiết bị đúng theo hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện công tác vệ sinh thiết bị, bảo dưỡng thiết bị định kỳ…
Các sản phẩm phân bón Con Voi Bình Dương được sản xuất ở dạng bột hoặc dạng viên, nguyên liệu chính là mùn hữu cơ (khoảng 70%) có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng với các tỷ lệ phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của tất cả các loại cây trồng ở các giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Nhiều nông dân vùng sản xuất lớn trong cả nước như vùng lúa và cây ăn trái đồng bằng sông Cửu Long, vùng chuyên canh thanh long Bình Thuận, khu vực sản xuất cây công nghiệp Đông Nam bộ. đã lựa chọn phân bón hữu cơ sinh học Con Voi Bình Dương vì phù hợp với xu hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, tuân thủ theo quy trình nông nghiệp hữu cơ.
TIỂU MY
Trích báo Bình Dương