Kỳ 1: Vì sức khỏe cộng đồng, vì môi trường bền vững
Tôi muốn nói về một tập thể chi bộ Đảng có 21 đảng viên lãnh đạo hơn 650 cán bộ, công nhân viên “chiến đấu” trên mặt trận đầy khó khăn: Xử lý chất thải cho một tỉnh tốc độ phát triển công nghiệp - đô thị nhanh, không chỉ rất thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao, mà còn đứng đầu cả nước về khoa học - công nghệ và sức lan tỏa. Đó là tập thể Chi bộ Xí nghiệp Xử lý chất thải (Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương).
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham quan quy trình xử lý chất thải nguy hại, thu hồi nhiệt và sản xuất vật liệu xây dựng từ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (Xí nghiệp Xử lý rác thải, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương). Ảnh: P.V
Giải quyết bài toán khó
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bình Thuận tường thuật cuộc hội thảo đầu bờ về phân bón. Những cánh đồng thanh long bạt ngàn xanh mướt, sai trĩu quả. Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, chia sẻ thương hiệu Bình Dương công nghiệp hóa đã có tiếng vang trong nước và quốc tế vì thế mà đô thị cùng dân số phát triển với tốc độ rất nhanh. Sau hơn 20 năm phát triển công nghiệp nay Bình Dương đã có một thành phố đạt nhiều tiêu chuẩn thành phố loại I và 4 thị xã đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, đặc biệt tốc độ đô thị rất nhanh nên nhu cầu thu gom, xử lý rác, nước thải từ rác rất quan trọng đối với phát triển bền vững. Đó là lý do Bình Dương xây dựng Xí nghiệp Xử lý chất thải, từ đây rác được sản xuất phân bón hữu cơ sinh học “Con Voi Bình Dương” góp phần cho cây thanh long Bình Thuận xanh mượt cánh đồng, người dân yêu chuộng.
Được ông Thiền giới thiệu, lần đầu thăm xí nghiệp, tôi thật sự ấn tượng với cảnh quan, không gian nơi đây. Toàn bộ khu vực gần 300 ha bao gồm văn phòng xí nghiệp, khu đốt chất thải nguy hại, khu chôn lấp rác, xử lý nước rỉ, sản xuất phân bón, vật liệu xây dựng, chăn nuôi, rừng cao su được bố trí đan xen, điểm xuyết vườn cây, ao cá, công viên. tạo không khí mát lành. Từ văn phòng đến các phân xưởng sản xuất đều thấy khẩu hiệu “Quyết tâm xây dựng nhà máy xử lý chất thải 3 sao”, “Vì sức khỏe cộng đồng - Vì môi trường bền vững”. Hai khẩu hiệu ngắn gọn nhưng biểu cảm đầy quyết tâm với mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Chuyện trò với ông Ngô Chí Thắng, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc xí nghiệp, tôi được biết nhiệm vụ, chức năng sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp bao gồm: Thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải nguy hại, sinh hoạt, công nghiệp; sản xuất, chế tạo thiết bị cơ khí xử lý chất thải; sản xuất phân bón hữu cơ sinh học thương hiệu “Con Voi Bình Dương”; sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng và các sản phẩm gạch tái chế; sản xuất, tái chế, mua bán phế liệu, các sản phẩm từ nguồn rác, thiết bị vật tư; thực hiện các dịch vụ công trình đô thị (nạo vét cống rãnh, hút hầm cầu, rửa đường)… Tôi hỏi Ngô Chí Thắng, nhằm khai thác thêm cung cách làm ăn:
- Các bạn tham lam quá nhiều đấy?
Ngô Chí Thắng giải bày:
- Không phải tham lam mà là biện pháp tiết kiệm, tận dụng lợi thế, phải thế mới làm tốt được nhiệm vụ chính trị mà chi bộ quyết tâm thực hiện “Vì sức khỏe cộng đồng - Vì môi trường bền vững”.
- Nghĩa là sao, mình chưa hiểu, bạn cho thí dụ cụ thể được không?
- Được chứ chú, thí dụ khi rác đưa vào phân loại xử lý thì rác sinh hoạt để ủ khí biogas chạy máy phát điện, rác công nghiệp được loại bỏ kim loại, túi nylon (để bán) số còn lại được “ủ kỹ thuật” để sản xuất các loại bê tông, vật liệu xây dựng, gạch tái chế. Hay nước rỉ rác sau khi xử lý được dùng tưới cây, nuôi cá, rửa đường, hấp thụ khí thải lò đốt. Rác nguy hại phải đốt nhưng than cũng được dùng với bùn thải từ nước rỉ rác đã xử lý để sản xuất vật liệu xây dựng… Nghĩa là khi chất thải được đưa vào nhà máy thì “không còn đường ra”.
Bể hoàn lưu thuộc Cụm xử lý chất thải nguy hại. Than, tro sau khi đốt được dùng làm phụ gia sản xuất gạch và vật liệu xây dựng, nhiệt phát sinh từ quá trình đốt chất thải nguy hại được thu hồi, sử dụng cho quá trình hấp, sấy khô gạch. Ảnh: P.V
Hiện công nghệ chôn rác và xử lý nước rỉ rác đang là bài toán khó đối với Việt Nam, nên tôi tìm tới khu vực này đầu tiên, được cô gái còn rất trẻ chào đón bằng lời giới thiệu rất ấn tượng: “Thưa chú, cháu là đảng viên phụ trách bộ phận, cử nhân sinh học Nguyễn Thị Thùy Trang”. Theo Thùy Trang, ở các nơi khác thường sử dụng công nghệ chôn rác hở, thực tế chỉ là bãi chứa rác có đầu tư chút ít công nghệ, cách làm này ô nhiễm rất lớn. Bình Dương không làm vậy, cán bộ khoa học công nghệ sinh học đều là đảng viên, qua thực tiễn đã “chụm đầu” đưa ra giải pháp công nghệ chôn rác kín. Bãi chôn rác 100 ha được chia ô dùng bạt nhập khẩu từ châu Âu làm túi ủ yếm khí sử dụng chế phẩm vi sinh Bokashi (Nhật Bản) tác dụng phân hủy rác tốt. Khi túi đầy rác được khóa chặt phủ kín đất tạo quả cầu khí mê tan dung tích lớn không phát tán được mùi ra môi trường bởi các giếng khoan thu khí biogas đưa vào phát điện nên độ an toàn cao. Lượng nước thải phát sinh từ các bể ủ chất thải có hàm lượng ô nhiễm lớn được đưa vào nhà máy xử lý nước công nghệ hiện đại công suất 960m3/ngày, có phòng thí nghiệm giám sát chất lượng nước, sau xử lý đạt mức A theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đảng viên Bồ Thanh Phi, công nhân điện công nghiệp giải thích thêm: “Lượng rác thải cả tỉnh đưa về rất lớn một ngày tới 1.800 tấn nên sau khi phân loại được đưa vào bể ủ là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất phân bón, đồng thời tạo nguồn khí biogas để phát điện”.
Đến khu đốt rác nguy hại, tôi được lặp lại lời giới thiệu của chàng trai ra đón: “Cháu là đảng viên, cử nhân công nghệ sinh học Lê Quang Lập, phụ trách lò đốt”. Khu đốt rác giống như một nhà máy với hai hệ thống lò đốt bức nhiệt nhiệt độ cao, buồng sơ cấp nhiệt độ hơn 800 độ, buồng thứ cấp 1.000 độ có hệ thống thu hút khói bụi, xử lý an toàn cháy nổ. Theo Lập, dây chuyền đốt rác đầu do Công ty Nhiệt Đồng Tâm xây dựng chuyển giao, song vì giá thành cao nên dây chuyền thứ hai các đảng viên cán bộ khoa học của xí nghiệp tự “xắn tay” chế tạo trên cơ sở tiếp nhận công nghệ từ Công ty Nhiệt Đồng Tâm, có cải tiến sáng tạo nên giá thành rẻ hơn và chất lượng tốt hơn. Tôi hỏi Lê Quang Lập:
- Công nghệ mà Bình Dương sáng tạo là gì?
- Là nghiên cứu gắn thêm ghi tự động đảo rác và đẩy rác vào buồng đốt. Khi chưa cải tiến hai khâu này phải lao động thủ công, công nhân vô cùng vất vả mà năng suất thấp chỉ bằng 1/10 khi máy được cải tiến.
“Làm ngay ra tiền”
Vượt qua khu đốt rác, tôi đến với khu “làm ngay ra tiền” gồm một loạt các phân xưởng, dây chuyền sản xuất phân hữu cơ sinh học, gạch nung tuynel, gạch block không nung, bê tông xây dựng… Tất cả như một công trường nhưng là công trường sạch rất ít bụi khói và tiếng ồn. Thấy tôi ngạc nhiên, đảng viên công nhân Nguyễn Nhựt Tân giải thích: “Mình mà không gương mẫu thực hiện sản xuất “xanh - sạch - vệ sinh - an toàn” thì nói ai tin”. Tôi tập trung tìm hiểu kỹ dây chuyền sản xuất phân compost, bởi dây chuyền này mang tính tổng hợp của rất nhiều công đoạn, kỹ thuật, cũng là dây chuyền đạt tác dụng bảo vệ môi trường trọng yếu. Đầu tiên chất thải sinh hoạt được đưa vào thiết bị mở bao, rồi theo băng chuyền tới thùng quay sàng phân loại, kích thước lỗ sàng 9cm. Những chất thải nhỏ hơn 9cm lọt qua lỗ sàng theo băng chuyền đến máy tách nylon để thu hồi nylon và qua thiết bị tách từ để thu hồi kim loại, sau đó theo băng chuyền đến nhà ủ lên men (21 ngày) tiếp đến qua nhà ủ chín (21 ngày). Trong 21 ngày ủ chín được máy đảo trộn theo chu kỳ nhằm giảm độ ẩm theo quy định để đưa vào tinh chế, mùn thô với kích thước 15mm, đến mùn tinh < 3mm.
“Quy trình” đơn giản là vậy, song thực tế sản xuất được mùn tinh là thử thách đầy khó khăn. Trước đây do dây chuyền sản xuất được nhập từ Phần Lan, không có thiết bị nghiền mùn tinh (nước bạn chỉ sản xuất tới mùn thô rồi đem rải ra rừng, nơi đất nghèo, để mục tăng dinh dưỡng cho đất). Nghĩa là Phần Lan chỉ sản xuất mùn cải tạo đất, chưa làm được phân bón cho cây. Ở Việt Nam, mùn này bán ai mua, lại phải chôn lấp, tuy không còn ô nhiễm nhưng như vậy sẽ rất lãng phí.
Kỳ 2: Phát huy vai trò nòng cốt
NGUYỄN TRỌNG ĐẠT
Trích nguồn: http://baobinhduong.vn/