Đổi mới để phát triển

14 09-2017

Hiện nay, Bình Dương có 3 tổng công ty 100% vốn Nhà nước là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC); Tổng Công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương 3-2; Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ TNHH MTV (Thalexim). Đây là 3 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đảm trách nhiệm vụ đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế tỉnh nhà thời kỳ đầu mới phát triển. Bước vào nền kinh tế thị trường theo chủ trương của Nhà nước, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong hoạt động, các tổng công ty này đã thực hiện các bước cổ phần hóa theo đúng lộ trình.

Minh bạch hóa mọi hoạt động

Cổ phần hóa DNNN không chỉ mang lại sự bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn thể hiện sự minh bạch trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Thông tin mới nhất mà chúng tôi có được là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Becamex IDC, trong đó giữ nguyên phần vốn Nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.

Theo đó Tổng Công ty Becamex IDC có vốn điều lệ 13.170 tỷ đồng, tương đương 1.317.000.000 cổ phần. Trong đó 671.670.000 cổ phần Nhà nước nắm giữ chiếm 51% vốn điều lệ; 4.936.700 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp, chiếm 0,37% vốn điều lệ; 311.207.100 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 23,63% vốn điều lệ; 329.250.000 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 25% vốn điều lệ. Mệnh giá 1 cổ phần là 10.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ Tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (thành viên Tổng Công ty Becamex IDC) đánh cồng tại lễ niêm yết cổ phiếu của công ty trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. Ảnh: DUY CHÍ

Thủ tướng Chính phủ cũng ủy quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu và thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng theo quy định của pháp luật. Điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ khi không bán được cho các nhà đầu tư theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng được giao chịu trách nhiệm lựa chọn cổ đông chiến lược theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc lựa chọn cổ đông chiến lược bảo đảm các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và thực hiện sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 2.301 người; tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 2.301 người. Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy, Tổng Công ty Becamex IDC đạt doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm trước đó. Tài sản ngắn hạn cuối năm 2015 đạt gần 27.000 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền là hơn 2.000 tỷ đồng.

Tương tự, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa Thalexim theo hình thức bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp. Cụ thể, Thalexim được cổ phần hóa với vốn điều lệ 2.366 tỷ đồng gồm tổng số cổ phần là 236,6 triệu cổ phần theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Hậu cổ phần hóa, cổ đông Nhà nước nắm giữ gần 116 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 1 triệu cổ phần, chiếm 0,45% vốn điều lệ; 11,83 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 5% vốn điều lệ; gần 108 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 45,55% vốn điều lệ sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Được biết, Thalexim hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy và bất động sản với 11 đơn vị trực thuộc và 6 công ty thành viên. Trong đó nổi bật có Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (MVC) đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM. Ngoài ra, Thalexim còn được biết đến là chủ đầu tư Khu công nghiệp Sóng Thần 1.

Dù vậy, đến năm 2016, hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn là hoạt động kinh doanh chính chiếm 98% tổng doanh thu. Thalexim thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất theo phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất. Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 568 người; tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 568 người.

Những tín hiệu vui đầu tiên

Trước khi tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ, các công ty con của các tổng công ty trên đã tiến hành cổ phần mang tính thí điểm và đã mang lại kết quả khả quan. Cụ thể tại Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3-2 (công ty con của Tổng Công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương 3-2), sau khi cổ phần hóa và tham gia niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu của công ty (C32) được thị trường và các nhà đầu tư chiến lược chào đón vì công ty có mức tăng trưởng ổn định, chiến lược sản xuất, kinh doanh rõ ràng. Cổ tức chi trả lãi 24%/vốn điều lệ. Doanh thu hàng năm tăng đến 23% kể cả những lúc thị trường bất động sản đóng băng, khó tiêu thụ. Vì công ty hoạt động đa ngành nghề và linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thị trường.

Vừa cổ phần hóa cuối năm 2016 và niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán vào giữa năm 2017, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Mã chứng khoán BWE, công ty con của Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển công nghiệp Becamex IDC) đã lọt vào tốp các cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư. Theo đó, quý IV-2016 công ty đạt tổng doanh thu 399,61 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 18,27 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2017 được đại hội đồng cổ đông thống nhất với mức tăng trưởng các mặt: Doanh thu, lợi nhuận trước thuế… tăng 10% so với năm 2016.

Có thể nói, cổ phần hóa đã mang lại những kết quả bước đầu khả quan của các DNNN. Chính lộ trình cổ phần hóa minh bạch, rõ ràng của các DNNN đã mang lại nguồn vốn lớn, luồng sinh khí mới để doanh nghiệp hội nhập tốt và hoạt động bình đẳng trong cơ chế thị trường.

* Ông ĐOÀN MINH QUANG, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ TNHH MTV: Cổ phần hóa sẽ thuận lợi hơn trong hội nhập kinh tế thị trường

Cổ phần hóa Tổng công ty sẽ có sự tham gia của các cổ đông chiến lược tham gia Ban lãnh đạo, Ban kiểm soát, Hội đồng Quản trị. Nếu so với trước khi cổ phần thì thành phần Ban lãnh đạo Tổng công ty sẽ mạnh hơn, quyết định được nhiều vấn đề quan trọng hơn. Từ đó mang lại lợi ích tốt hơn cho việc sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

* Ông NGUYỄN TIẾN THỎA, Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam: Bảo đảm đúng quy định

Công tác thẩm định giá trước và sau cổ phần hóa doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương được thực hiện đúng quy định, bảo đảm định giá tài sản Nhà nước đúng giá trị. Điều này đã mang lại kết quả tốt khi công ty tiến hành niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nhờ tính công khai, minh bạch trong hoạt động đã tạo nên niềm tin, giá trị vững chắc của cổ phiếu.

DUY CHÍ

Tin tức hoạt động

Trao giải cho 44 doanh nghiệp xuất sắc nhất Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết
18 11-2024

Trao giải cho 44 doanh nghiệp xuất sắc nhất Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Sau gần 6 tháng bình chọn, vượt qua hơn 500 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, Hội đồng bình chọn đã lựa chọn được 44 doanh nghiệp xuất sắc ở 3 hạng mục Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững để chính thức vinh danh.

Biwase ETS: Luôn nỗ lực vì môi trường sạch đẹp, an toàn
12 11-2024

Biwase ETS: Luôn nỗ lực vì môi trường sạch đẹp, an toàn

Qua 20 năm thành lập, Công ty TNHH Một thành viên Liên hợp Khoa học - Công nghệ - Môi trường Biwase, hoạt động trong lĩnh vực môi trường, thu gom, xử lý, tái chế rác thải, luôn nỗ lực hoàn thành trọng trách, được tỉnh, các doanh nghiệp, người dân đánh giá cao; đồng thời phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án.

Biwase nhận giải thưởng "Dòng Xanh Nước Việt"
08 11-2024

Biwase nhận giải thưởng "Dòng Xanh Nước Việt"

Ngày 7/11 tai Hà Nội, Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam (VWSA) tổ chức trao giải thưởng "Dòng Xanh Nước Việt" 2024. Đây là giải thưởng danh giá nhất của ngành Cấp Thoát nước Việt Nam.