Ngày 15-12, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương, Công ty CP nước môi trường Bình Dương (BIWASE); Công ty CP cấp nước Đồng Nai để nghe báo cáo về dự án Xa lộ nước Long Thành. Tham dự buổi làm việc còn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc |
Theo BIWASE, đơn vị đề xuất dự án, dự án Xa lộ nước Long Thành nhằm mục tiêu cấp nước an toàn khu vực kinh tế, đô thị quanh Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, H.Cẩm Mỹ và vùng lân cận tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là trục “xương sống” dẫn nước từ sông Đồng Nai đến H.Long Thành qua TP.Biên Hòa nối 2 đô thị lớn với nhau. Dự án cũng đảm bảo việc cung cấp nước sạch liên tục, đầy đủ cho mọi đối tượng cần sử dụng nước, góp phần xây dựng hạ tầng đô thị, vệ sinh môi trường cho khu vực các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và vùng lân cận tỉnh Đồng Nai. Từ đó, góp phần cho sự phát triển đô thị, kinh tế địa phương.
Về công suất, BIWASE đề xuất công suất cho dự án là cung cấp 60 ngàn m3 nước sạch/ngày đêm cho tầm nhìn 15-20 năm. Dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn có công suất 30 ngàn m3 nước sạch/ngày đêm.
Nguồn nước thô cung cấp cho dự án sẽ được lấy từ nguồn nước sau hồ thủy điện Trị An, địa điểm gần Nhà máy nước thô Thiện Tân hiện hữu và gần cầu Rạch Tôm.
|
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Dự án sẽ xây dựng một trạm bơm nước thô và nhà máy xử lý; 3 trạm bơm tăng áp và bể chứa. Về phương án đầu tư tuyến ống dẫn nước sẽ chia làm 2 giai đoạn đầu tư tương ứng với công suất 30 ngàn và 60 ngàn m3 nước sạch/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5,2 ngàn tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là hơn 3,7 ngàn tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, việc triển khai thực hiện dự án Xa lộ nước Long Thành là chính xác và cần thiết. Do đó, phải triển khai cho bằng được dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho sự phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch UBDN tỉnh yêu cầu các địa phương có dự án đi qua phải đưa diện tích đất phục vụ dự án vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Các cơ quan chức năng cũng phải đo lường hết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để có phương án tháo gỡ sớm.
UBND tỉnh cũng giao BIWASE là nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tiên chỉnh sửa, hoàn thiện lại hồ sơ đề xuất đầu tư dự án. Khi hoàn thành hồ sơ, nhà đầu tư gửi Sở KH-ĐT để gửi các cơ quan chức năng, các địa phương thẩm định. Từ đó, Sở KH-ĐT tổng hợp để hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Khi có chủ trương đầu tư, Đồng Nai sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Phạm Tùng