Cần hơn 3 tỷ USD cho nhu cầu Cấp nước đô thị

27 11-2015

Theo Bộ Xây dựng trong giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam cần tới 72.000 tỷ đồng (tương đương 3,3 tỷ USD) để đầu tư cho hệ thống cấp nước và 153.000 tỷ đồng (6,9 tỷ USD) cho hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Trong khi đó, nguồn nước suy thoái, nguồn vốn thì thiếu hụt, nguồn thu từ cấp, thoát nước không đủ bù chi; cơ chế; chính sách còn bất cập… Đây là những rào cản lớn đối với đầu tư lĩnh vực này.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mới được hình thành và dân số đô thị cũng tăng nhanh chóng, nên hệ thống cấp nước đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của đô thị. Rất nhiều thị tứ, hoặc khu dân cư không có hệ thống cấp nước tập trung.

Lợi nhuận chưa hấp dẫn

Nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước là nước mặt và nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm đã và đang bị suy thoái cả về chất lượng cũng như trữ lượng. Do khai thác quá mức cho phép dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và sụt lún mặt đất (một số nơi Hà Nội đã bị nhiễm amoni, asen và gây sụt lún ở Tp. HCM và Tp. Cà Mau), gây suy thoái lưu lượng hoặc cạn kiệt về mùa khô (như ở Hà Nội, Quy Nhơn…).

Nguồn nước mặt thì phải đối diện với sự biến động về lưu lượng và chất lượng nước theo mùa, ô nhiễm do nước và chất thải… Đồng thời, còn chịu tác động biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, vào mùa khô nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục km; khu vực chịu ảnh hưởng mạnh ở vùng ĐBSCL và Duyên hải miền Trung. Hiện, chỉ có khoảng 70% hệ thống cấp nước đô thị đảm bảo cấp nước liên tục 24 giờ/ngày. Các hệ thống còn lại chỉ hoạt động khoảng 14-20 giờ/ngày, thậm chí có nơi chỉ có thể hoạt động 8-10 giờ/ngày. Trong khi đó, chúng ta đang quản lý nước theo khả năng nguồn nước và công trình sẵn có mà ít chú trọng đến quản lý nhu cầu, căn cứ chủ yếu trong các kế hoạch, dự án về cấp nước là khả năng sẵn có của nguồn nước chứ hoàn toàn chưa chú trọng triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Tỷ lệ thất thoát nước còn cao, năm 2015 con số này là 25%, giảm 10% so với 10 năm trước song ở một số đô thị, tỷ lệ nước không doanh thu vẫn chiếm trên 30% (Tp. HCM, Ninh Bình…).

Giá nước thì chưa đáp ứng được nhu cầu tài chính để thực hiện tốt công tác quản lý vận hành hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, cũng như lợi nhuận chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư. Tại một số địa phương, giá bán nước vẫn theo cơ chế cũ, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, mở rộng phạm vi mạng lưới cấp nước, để nâng cao sản lượng cấp nước (thiếu vốn tái đầu tư cho sản xuất, kinh doanh).

Thiếu cơ chế khuyến khích đầu tư

Dự báo đến năm 2020, để phát triển công suất hệ thống cấp nước, Việt Nam cần tới 36.000 tỷ đồng (~1,6 tỷ USD); để cải thiện hiệu quả hoạt động của các hệ thống hiện hữu (cải tạo công trình hiện hữu, mở rộng phạm vi cấp nước, NRW…); 30.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD); cho các hoạt động phi xây dựng (quản lý tài sản, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý vận hành, truyền thông – tuyên truyền cộng đồng…); 6.000 tỷ đồng (0,3 tỷ USD). Trong đó, phần lớn là các dự án kêu gọi đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quá trình đầu tư xây dựng các dự án cấp nước sẽ còn gặp nhiều vướng mắc bởi: thiếu các cơ chế ưu đãi, khuyến khích. Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn, việc giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào chậm triển khai; quy trình xem xét, thẩm định, phê duyệt dự án cấp nước nhiều khi kéo dài…Bên cạnh nhu cầu vốn cho cấp nước, nhu cầu đầu tư để phát triển công suất hệ thống thu gom và xử lý nước thải của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 cũng rất lớn, lên tới 138.000 tỷ đồng (~ 6,3 tỷ USD); ngoài ra, nhu cầu đầu tư cho các hoạt động phi xây dựng (quản lý tài sản, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý vận hành, truyền thông – tuyên truyền cộng đồng…) là 15.000 tỷ đồng (0,6 tỷ USD). 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam dành 4.800 tỷ đồng để đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Trong đó, chủ yếu là vốn ODA chiếm khoảng 82%; vốn ngân sách khoảng 18%, nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân còn rất khiêm tốn do việc huy động vốn ngoài ngân sách còn khó khăn, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này vì lợi nhuận chưa cao. Thu phí thoát nước còn thấp nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư thoát nước còn hạn chế.

Trích nguồn báo Kinh tế - Xã hội

Số 283 – Thứ Năm – 26/11/2015

Vui lòng ghi rõ nguồn http://www.biwase.com.vn khi sử dụng thông tin từ website này

Tin tức hoạt động

Biwase lên kế hoạch lãi tối thiểu 640 tỷ đồng
06 03-2025

Biwase lên kế hoạch lãi tối thiểu 640 tỷ đồng

Công ty cổ phần - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/3.

Long An khẩn trương lắp thêm đường ống đưa nước về vùng hạn mặn
06 03-2025

Long An khẩn trương lắp thêm đường ống đưa nước về vùng hạn mặn

Dự báo mùa khô năm nay, Long An có khoảng 23.669ha diện tích cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, thiếu nước.

Nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách cấp thoát nước của Bình Dương
28 02-2025

Nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách cấp thoát nước của Bình Dương

Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách cấp thoát nước của Bình Dương.