Biwase và TDMWater đang giữ vị thế độc quyền mảng cung cấp nước sạch tại tỉnh Bình Dương.
Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) là công ty phân phối nước lớn thứ 3 tại Việt Nam với tổng công suất 470.000 m3/ngày tính đến cuối năm 2019. Biwase đã vận hành nhà máy nước đầu tiên, nhà máy nước Thủ Dầu Một với công suất 21.600 m3/ngày. Sau đó, Công ty đã mở rộng hệ thống cấp nước sang các huyện khác của tỉnh Bình Dương.
Lợi thế độc quyền
Biwase hiện sở hữu 8 nhà máy nước với tổng công suất cung cấp 327.000 m3/ngày, trong đó tổng công suất của nhà máy Dĩ An và Tân Hiệp chiếm xấp xỉ 2/3 tổng công suất của Công ty. Ngoài ra, Biwase cũng sở hữu hệ thống phân phối nước với chiều dài đường ống hơn 4.000 km trong đó phần lớn từ 2 nhà máy Tân Hiệp và Dĩ An.
Nước suối Biwase. Ảnh: TL.
Tại Bình Dương, Biwase và Công ty Cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDMWater, mã TDM) đang là 2 công ty giữ thế độc quyền trong ngành cung cấp nước sạch tại đây. Các nhà máy cấp nước của Biwase lấy nước từ sông và hồ thông qua các trạm bơm và sau đó xử lý thành nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia. Sau đó Biwase sẽ phân phối nước thông qua hệ thống đường ống (sở hữu bởi Công ty) cho khách hàng tại tỉnh Bình Dương.
Với lợi thế độc quyền cung cấp nước sạch tại Bình Dương, Biwase được dự báo sẽ hưởng lợi lớn từ nhu cầu nước gia tăng. Theo đánh giá của ông Lê Phước Đức, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), dòng vốn FDI đầu tư mạnh, dân số gia tăng và tỉ lệ đô thị hóa cao tại tỉnh Bình Dương thúc đẩy tăng trưởng sản lượng nước và chất thải.
Xét về FDI, Bình Dương là một trong những cụm công nghiệp lớn nhất Việt Nam và thuộc 5 tỉnh thành dẫn đầu tại Việt Nam về khả năng thu hút vốn FDI đăng ký mới trong 5 năm gần nhất (trung bình 2,2 tỉ USD mỗi năm). Tính đến năm 2019, Bình Dương có tổng lượng vốn FDI đăng ký đạt 1,5 tỉ USD và là địa điểm phổ biến thứ 3 tại Việt Nam (xếp sau TP.HCM và Hà Nội) về thu hút vốn FDI đăng ký.
Theo số liệu của VCSC, dân số tại tỉnh Bình Dương ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 3,9% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2018, tương ứng hơn gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng dân số của Việt Nam trong cùng giai đoạn. Đáng chú ý hơn, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Bình Dương đã tăng trong 5 năm qua, chủ yếu do lượng người lao động nhập cư từ các tỉnh thành lân cận.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương có tốc độ đô thị hóa cao với xấp xỉ 78,2% dân số ở các khu dân cư trong năm 2019. Tỉ lệ dân số thành thị cao này sẽ dẫn đến nhu cầu nước cao hơn vì khu vực thành thị sử dụng nhiều nước hơn khu vực nông thôn.
Thêm vào đó, quy định về giá bán nước cũng đang tạo nhiều thuận lợi cho Biwase. Vào ngày 22.2.2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã công bố Quyết định 04/2018/QĐ-UBND, cho phép Biwase tăng giá nước bán khoảng 5% mỗi năm trong giai đoạn 2018-2022. Sau khi quyết định này có hiệu lực, TDMWater và Biwase đã đạt được thỏa thuận để giá nước bán buôn của TDMWater cho Biwase cũng tăng 5% mỗi năm.
Bành trướng thị phần
Không chỉ ở Bình Dương, Biwase cũng có kế hoạch thâm nhập sâu hơn vào ngành cấp nước tại các tỉnh thành khác tiêu biểu như Đồng Nai và Bình Phước thông qua thực hiện M&A. Tính đến tháng 3.2020, Biwase và TDMWater đã sở hữu lần lượt 17,7% và 12,1% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cấp nước Đồng Nai (DNW), có tổng công suất khoảng 420.000 m3/ngày.
Thêm vào đó, Biwase cũng vừa thực hiện bước tiếp theo để mở rộng thị phần trong mảng cấp nước. Cụ thể, Công ty đã mua 23% cổ phần của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Tân được thành lập trong năm 2016. Công ty này đang xây dựng hệ thống cấp nước với công suất 20.000 m3/ngày để cấp nước cho cư dân tại khu vực Dầu Giây của tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, Biwase cũng sở hữu nhà máy nước Chơn Thành với công suất 30.000 m3/ngày tại tỉnh Bình Phước.
VCSC dự phóng CAGR doanh thu mảng cấp nước của Biwase đạt 11,7% và CAGR lợi nhuận sau thuế đạt 23,5% trong 4 năm tiếp theo (2021-2024). Doanh thu mảng này chủ yếu đến từ đóng góp của mảng cấp nước trong bối cảnh nhu cầu nước sạch và xử lý chất thải gia tăng ở tỉnh Bình Dương. Nhằm nắm bắt nhu cầu này, Biwase đặt mục tiêu nâng công suất cấp nước sạch 49% từ 471.300 m3/ngày năm 2019 lên đến 700.000 m3/ngày năm 2021. VCSC cũng kỳ vọng tổng sản lượng nước thương phẩm ổn định ở mức CAGR 12,3% trong giai đoạn 2020-2024.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào ngày 26.9 ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase, cho biết đặc thù ngành nghề kinh doanh những sản phẩm thiết yếu cho nhu cầu của xã hội là động lực để Biwase vượt qua khó khăn và duy trì tăng trưởng. Biwase đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn tài trợ ODA từ các tổ chức tài chính quốc tế với lãi suất thấp cho việc xây dựng những công trình cấp nước, xử lý rác thải.
Vũ Hoài
Trích Báo mới