HĐQT Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (mã BWE) đã chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng và nâng công suất Nhà máy nước Phước Vĩnh và Nhà máy nước Dầu Tiếng. Đây là 2/17 chi nhánh cấp nước của Biwase. Quyết định này dựa trên tình hình sử dụng nước của hai khu vực trên đang tăng cao. “Việc tăng công suất hai nhà máy nước rất cần thiết và cấp bách thực hiện”, báo cáo của Tổng giám đốc trình HĐQT nêu. Đến cuối quý III, Biwase đang giữ lượng tiền mặt, tương đương tiền và các khoản tiền gửi khá lớn xấp xỉ gần 445 tỷ đồng.
Mỗi ngày thu 2,4 tỷ đồng nhờ cấp nước, tiếp tục nâng thêm nhờ tăng công suất
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm cũng cho thấy xu hướng tăng mạnh nhu cầu sử dụng nước của Bình Dương. Trong 9 tháng đầu năm, Biwase thu về 1.777 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính. Trong đó, mảng sản xuất và kinh doanh nước sạch đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận gộp, lần lượt đạt 1.171 tỷ đồng và 599 tỷ đồng. Mỗi 100 đồng doanh thu bình quân mang về gần 51,2 đồng lãi gộp. Đây cũng là mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận gộp cao nhất. Biên lãi gộp lĩnh vực xử lý rác thải và nước thải chỉ đạt 18,6% và 25%. Bình Dương được coi là thủ phủ công nghiệp vốn đang tập trung tới 28 khu công nghiệp này nên Biwase cũng là một trong các doanh nghiệp lớn về quy mô tài sản và lợi nhuận mang về hàng năm.
Ngoài ra, theo giải trình từ lãnh đạo doanh nghiệp, giá nước bán ra kỳ vừa qua cũng được tăng theo lộ trình. Trong quý III, dù lãi lớn từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận vẫn tăng trưởng âm vì dự phòng chứng khoán. Tuy nhiên, tính trong 9 tháng đầu năm, Biwase lãi trước thuế tới 357 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Trong khi, mục tiêu lợi nhuận mà doanh nghiệp này đề ra khá khiêm tốn (tăng trưởng 10%).
Bàn giao 4 dự án lại cho tỉnh, phải thu dài hạn 976 tỷ đồng
Biwase cổ phần hóa từ cuối năm 2016 và niêm yết trên sàn giữa tháng 7/2017. Cổ đông Nhà nước Becamex IDC (mã BCM) hiện chỉ còn sở hữu 25% vốn Biwase. Cùng đó, vị trí cổ đông lớn nhất của Biwase đã chuyển sang CTCP Nước Thủ dầu Một khi doanh nghiệp tư nhân tỉnh Bình Dương đang nắm 38,5% vốn.
Tổng tài sản Biwase đến 30/9 xấp xỉ 6.190 tỷ đồng. Từ quý II/2019, quy mô tài sản của Biwase giảm mạnh do chuyển giao lại 4 tiểu dự án để xây dựng các công trình về thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt. Gần 6.900 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn đã dời Biwase. Đáng chú ý, công ty đang ghi nhận 976 tỷ đồng phải thu dài hạn là các khoản vốn đã cấp cho các dự án bàn giao.
Thanh Thủy
Trích Báo Đầu Tư