Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã sử dụng hiệu quả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào các công trình phục vụ an sinh xã hội, tạo động lực thúc đẩy Bình Dương phát triển. Trong đó, những dự án tập trung vào công tác xử lý môi trường, rác thải, chất thải, nước thải được giao cho Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả cao.
Hiệu quả thiết thực
Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương (TX. Bến Cát) được xem là một trong những dự án sử dụng vốn ODA đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Được tỉnh giao thực hiện dự án này, Biwase cho biết dự án được Chính phủ phê duyệt với nguồn vốn tài trợ ODA của Phần Lan ngày 3-5-2002. Tháng 11-2004 dự án được khởi công xây dựng với diện tích ban đầu 75 ha, tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt hợp vệ sinh với quy mô ban đầu 200 tấn/ngày. Đến nay quy mô dự án đã mở rộng hơn 100 ha và đang xử lý rác thải sinh hoạt với khả năng tiếp nhận 1.000 tấn/ngày, xử lý rác thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất xử lý 150 tấn/ngày và tái chế rác; trong đó rác sinh hoạt được tái chế thành phân compost, làm vật liệu bê tông/gạch, tái chế bùn thải từ nhà máy xử lý nước thành gạch, chưng cất dung môi từ chất rửa điện tử làm sạch thành aceton và phục vụ các ngành sản xuất khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (thứ hai, hàng đầu từ phải sang) đánh giá cao hoạt động của nhà máy xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương được triển khai từ nguồn vốn ODA Phần Lan. Ảnh: T.BÌNH
Đánh giá về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương, Bộ Xây dựng cho biết nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến và đã được nghiên cứu cải tiến ở khâu tiếp nhận chất thải rắn phù hợp và khoa học; có tính chuyên nghiệp cao và tự động hóa. Về khả năng nội địa hóa, khu liên hợp cũng có xưởng cơ khí để sửa chữa, chế tạo được một số thiết bị, giúp giảm chi phí đầu tư hơn 50%. Về hạ tầng kỹ thuật, khu liên hợp được đầu tư đồng bộ hạ tầng, toàn bộ nước rỉ rác đạt tiêu chuẩn môi trường loại A. Đây là một trong số ít các dự án được đầu tư bài bản chuẩn mực nhất trong các dự án xử lý rác thải tại Việt Nam: chuẩn mực về công nghệ, chuẩn mực về công tác quản lý điều hành. Vì vậy, bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ cụ thể hơn về mô hình này và một vài mô hình khác để có thể nhân rộng cho các địa phương.
Đối với Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, mục tiêu thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh trong phạm vi các phường của TP.Thủ Dầu Một với nguồn vốn ODA từ JICA (Nhật Bản), tính đến nay nhiều hạng mục của dự án đã đưa vào sử dụng sớm hơn 3 năm so với thời gian hiệu lực của Hiệp định vay. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đã đi vào hoạt động với công suất 17.650m3 ngày/đêm, gần 280km mạng lưới thu gom nước thải đã được đấu nối vào hệ thống chính, tỷ lệ các hộ dân đấu nối vào hệ thống đạt 30% sau 1 năm khánh thành. Kết quả này đã vượt tiến độ cam kết với JICA đặt ra là mục tiêu 30% sau 2 năm hoàn thành.
Tạo điều kiện tốt nhất cho dự án vốn ODA
Hiệu quả bước đầu là vậy nhưng thách thức đặt ra cũng không nhỏ, nhất là nguồn vốn tiếp tục đầu tư trong công tác xử lý môi trường, rác thải, chất thải, nước thải. Theo UBND tỉnh, là địa phương trên đường phát triển công nghiệp và đô thị hóa và với mục tiêu đến năm 2020 Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nên việc phát triển hạ tầng đồng bộ phục vụ an sinh xã hội cần một nguồn vốn đầu tư lớn, trong đó có nguồn vốn xây dựng các công trình xử lý môi trường, rác thải, chất thải để bảo đảm cho môi trường đô thị phát triển bền vững. Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, tỉnh kiến nghị cần tạo điều kiện để tỉnh tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của các dự án với nguồn ODA để xử lý chất thải, nước thải vì mục tiêu an sinh xã hội.
Tại buổi làm việc với tỉnh về công tác xử lý môi trường mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao hoạt động xử lý môi trường, rác thải, chất thải và nước thải của Bình Dương từ những dự án sử dụng vốn ODA hiệu quả. Trong đó, mô hình xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải có hiệu quả trong việc tập trung thu gom, xử lý, ứng dụng công nghệ và phạm vi an toàn đối với sinh hoạt của người dân xung quanh; mô hình nhà máy xử lý nước thải nhằm cải thiện môi trường nước bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường.
Từ thực tế sử dụng vốn ODA của Bình Dương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý với chủ trương của tỉnh và cho biết Chính phủ sẽ tạo thuận lợi để tỉnh tiếp tục nhận được các nguồn vốn ODA nhằm tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của các dự án xử lý môi trường, rác thải, chất thải, nước thải tại Bình Dương.
Nguồn: Báo Bình Dương
Bạn vui lòng ghi rõ nguồn http://www.biwase.com.vn khi sử dụng thông tin từ website này.