(Xây dựng) – UBND tỉnh Bình Dương vừa chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải Dĩ An với công suất 20.000m3/ngày đêm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy xử lý nước thải Dĩ An ngày 30/11.
Công trình được xây dựng trên diện tích đất rộng 6,8ha với tổng mức đầu tư 115,23 triệu USD, trong đó, nguồn ODA của Ngân hàng thế giới là 92 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của Bình Dương. Dự án hoàn thành sau 18 tháng thi công.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá cao công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Bình Dương, đồng thời biểu dương Cty Biwase có trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong những năm gần đây, Bình Dương là một trong các địa phương năng động, tích cực và chủ động lập quy hoạch thực hiện các dự án cải thiện môi trường nói chung và thu gom xử lý nước thải đô thị nói riêng.
Trước đó, Bình Dương đã xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải ở Thủ Dầu Một và Thuận An đã đem lại hiệu quả nhất định trong việc cải thiện môi trường trên địa bàn và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Biwase là một doanh nghiệp đã có những đóng góp đáng kể cho tỉnh Bình Dương với mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, vì môi trường bền vững. Cty đã có những bước đi đột phá nghiên cứu những công nghệ mới để triển khai các dự án cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn. Tất cả các dự án đều đúng và vượt tiến độ với chất lượng tốt.
Việc khánh thành và đưa nhà máy xử lý nước thải Dĩ An công suất 20.000 m3/ngđ vào khai thác sẽ góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thị xã, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị.
Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho thị xã Dĩ An nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung. Đồng thời, cũng góp phần nâng cao tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường của cả nước”, Thứ trưởng Linh nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Linh, cả nước hiện có 45 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung được xây dựng với tổng công suất thiết kế 960.000 m3/ngđ, đến nay, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đạt khoảng 12%. Theo Quyết định của Thủ tướng thì đến năm 2020, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom xử lý đạt quy chuẩn môi trường được nâng lên 15 - 20%.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cùng đại diện chủ đầu tư, chính quyền, doanh nghiệp thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành nhà máy xử lý nước thải Dĩ An.
Ông Cao Lại Quang – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Xử lý rác thải, nước thải là một công việc hết sức cấp bách, một vấn đề lớn được Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương, cộng đồng quan tâm.
Tuy đạt một số kết quả quan trọng, song lĩnh vực thoát nước xử lý nước thải vẫn đang đứng trước khó khăn thách thức và hạn chế cả về nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý, nhận thức của cộng đồng…
Đến nay, cả nước vẫn còn 21 tỉnh thành phố và nhiều đô thị nhỏ chưa có nhà máy xử lý nước thải. Tỷ lệ nước thải xử lý qua các trạm tập trung còn rất thấp, bình quân cả nước mới đạt khoảng 12%.
Nước chưa qua xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như sức khoẻ sinh hoạt của người dân. Tình hình úng ngập ở các đô thị lớn cũng đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trước tình hình đó, Hội cấp thoát nước Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành cùng địa phương tiếp tục quan tâm và có những giải pháp quyết liệt hơn nữa.
Đặc biệt, việc đổi mới các cơ chế chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực cho đầu tư. Hội cấp thoát nước cũng mong muốn đề nghị cả cộng đồng người dân, ủng hộ chia sẽ chung sức chung tay vì sự nghiệp bảo vệ môi trường cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau.
Tổng quan nhà máy xử lý nước thải Dĩ An.
Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An hoạt động xử lý nước thải sinh hoạt theo công nghệ ASBR, nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường.
Nước thải sinh hoạt thu gom về nhà máy được trung tâm giám sát, tự động khử mùi, khử trùng bằng công nghệ hiện đại góp phần giữ an toàn cho nguồn nước trong lưu vực sông Đồng Nai.
Cao Cường