Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành chứng kiến ADB và JICA Nhật Bản ký thỏa thuận cho vay nâng công suất dự án xử lý rác thải thành phân bón và phát điện - Ảnh: B.S.
Rác thải không những thế còn được biến thành "tài nguyên" để tái chế thành phân bón, gạch, phát điện...
Nhờ cách làm hiệu quả nên Bình Dương đã được nhiều đối tác quốc tế tin tưởng tài trợ vốn vay cho các dự án xử lý rác, xử lý nước, trong đó có nhiều khoản vay không cần bảo lãnh của Chính phủ (nhà máy tự vay và tự cân đối để hoàn trả vốn vay).
Rác thành phân bón, phát điện...
Đầu tháng 12-2022, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương và các sở, ngành đã chứng kiến thỏa thuận cho vay bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nâng công suất Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương. Khoản vay trị giá 20 triệu USD (hơn 460 tỉ đồng tính theo tỉ giá hiện tại - PV).
Khoản vay nói trên sẽ giúp Bình Dương có thêm nhà máy sản xuất phân hữu cơ từ rác công suất 840 tấn/ngày và lò đốt rác có công suất phát điện thêm 5MW/giờ. Khi dự án được hoàn thành, toàn bộ rác thải sinh hoạt tại Bình Dương được tập kết về khu liên hợp (trên 2.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày) sẽ được phân loại toàn bộ và tái chế làm phân hữu cơ.
Đối với lò đốt rác thu nhiệt phát điện, với tài trợ vốn vay của đối tác quốc tế, dự án tại Bình Dương sẽ được đầu tư công nghệ tiên tiến, qua đó xỉ tro còn lại thấp và xỉ tro này sẽ tiếp tục được tái chế ra các loại gạch, bê tông để bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Ngọc Thúy - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - cho biết ngay từ sớm (năm 2005), Bình Dương đã quan tâm đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải với quy mô 100ha. Nhờ đó, sau gần 20 năm hoạt động, cùng với quá trình phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh thì khu liên hợp này đã được đầu tư đồng bộ nhiều dây chuyền, máy móc đáp ứng các yêu cầu phức tạp về xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải y tế.
Rất nhiều sản phẩm hữu ích như phân bón, điện, gạch... đã được hình thành từ việc tái chế rác, qua đó giảm tối đa việc chôn lấp, giúp bảo vệ môi trường.
Một máy phát điện từ xử lý rác thải tại khu liên hợp xử lý rác thải tỉnh Bình Dương. Dự kiến toàn bộ rác thải sinh hoạt được tập kết về khu liên hợp này sẽ được xử lý, tái chế mà không chôn lấp - Ảnh: B.S.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn
Không chỉ các dự án xử lý rác, các nhà máy xử lý nước với quy mô lớn cũng được Bình Dương chủ động huy động nhiều nguồn vốn để xây dựng. Nhà máy nước Tân Hiệp (thuộc nhà máy Khu liên hợp công nghiệp đô thị dịch vụ Bình Dương) là một ví dụ điển hình về sử dụng hiệu quả vốn vay ODA.
Nhà máy nước Tân Hiệp là một trong những nhà máy nước lớn nhất tại Bình Dương, có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Nhà máy được tăng công suất thêm 100.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất đạt tới 250.000m3/ngày đêm từ tháng 4-2021, cũng được Ngân hàng ADB và JICA Nhật Bản tài trợ vốn vay trị giá 16 triệu USD (tương đương khoảng 370 tỉ đồng).
Đại diện Ngân hàng ADB cho biết nhà máy nước Tân Hiệp, tỉnh Bình Dương là dự án đầu tiên trong ngành nước tại Việt Nam được ngân hàng này cho vay không thông qua bảo lãnh của Chính phủ. Để có được khoản vay không bảo lãnh Chính phủ, doanh nghiệp vay vốn phải chứng minh được năng lực, uy tín đối với quốc tế thông qua các dự án đã hợp tác trước đó.
Ông Trần Chiến Công - tổng giám đốc Công ty Nước - môi trường Bình Dương, đại diện nhà đầu tư - cho biết do đặc thù các dự án trong lĩnh vực nước, xử lý môi trường có vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng nếu nỗ lực hoàn thiện hạ tầng từ đầu thì sau này sẽ không phải đầu tư tốn kém hơn gấp nhiều lần. Đồng thời, các dự án nước, môi trường được đầu tư sớm còn góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân và sự đầu tư bền vững cho các doanh nghiệp.
* Ông Jackie B. Surtani (giám đốc Ban tài chính Hạ tầng 2, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB): Hình mẫu cho các dự án môi trường
Các dự án xử lý rác, xử lý nước tại Bình Dương có hiệu quả, là hình mẫu cho các dự án môi trường nên sau hàng chục năm tài trợ vốn, chúng tôi đã tin tưởng, chuyển đổi từ cho vay các khoản ODA phải có bảo lãnh trước đây sang cho vay tự chủ.
Việc tăng cường xử lý rác, hạn chế chôn lấp không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra được nguồn thu nhờ các sản phẩm được tái chế, giúp phương án tài chính của dự án được kiểm soát khả thi, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho dự án.
* Ông Mai Hùng Dũng (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương): Sẽ hỗ trợ để các dự án môi trường hoàn vốn
Trước đây các cơ quan quốc tế cho vay với dự án bảo vệ môi trường phải có sự bảo lãnh của Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nhiều khoản vay cho các dự án môi trường tại Bình Dương đã được các đối tác quốc tế cho vay không thông qua bảo lãnh Chính phủ, đã giúp giảm áp lực nợ công và cho thấy các dự án có hiệu quả, tạo được niềm tin và đạt tiêu chuẩn khắt khe của đối tác quốc tế.
UBND tỉnh Bình Dương sẽ chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án đúng pháp luật, minh bạch và có chính sách phù hợp về đơn giá để dự án đạt hiệu quả kinh tế, có thể tự chủ kinh phí hoàn trả vốn vay.
* Ông Nguyễn Văn Thiền (Chủ tịch Công ty Nước - môi trường Bình Dương - BIWASE): Phải dự báo và công nghệ phải đi trước
Tỉnh Bình Dương không có tình trạng rác thải bị ùn ứ làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và gây áp lực lên quản lý Nhà nước vì đã chủ động dự báo được nhu cầu và tìm kiếm đa dạng các nguồn vốn để xây dựng nhà máy.
Công nghệ xử lý cũng được lựa chọn dây chuyền tiên tiến để có thể tận dụng tối đa việc tái chế, biến rác thành tài nguyên phục vụ sản xuất, xây dựng...
Việc vay vốn của các tổ chức quốc tế không chỉ đòi hỏi dự án được kiểm soát chặt chẽ mà qua đó năng lực quản trị, quản lý vốn của chủ đầu tư cũng được nâng cao, tiếp cận với chuẩn mực chung của thế giới.
Nguồn : Báo Tuổi Trẻ